Thứ Bẩy, 18/04/2009 - 4:28 PM

Những việc làm sai trái của ông Thích Quảng Độ: Khẩu phật, tâm xà

Ông Quảng Độ đang dùng loa tay kích động người dân khiếu kiện.

Vừa qua, trên một số trang web của những nhóm người Việt cực đoan, phản động ở nước ngoài, đã thấy xuất hiện một lá thư ngỏ của "Hòa thượng Thích Quảng Độ", kêu gọi người dân trong nước "bất tuân dân sự, một tháng biểu tình tại gia để phản đối chính sách khai thác bôxít ở Tây Nguyên". Đọc xong "lời kêu gọi" này, người ta tự hỏi: Một người tu hành như ông Quảng Độ", mà sao lại còn vấn vương trần tục nặng nề đến thế, chưa kể "lời kêu gọi" của ông đã đi ngược lại với chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của Nhà nước ta...
>> "Mặc áo" tu hành, nhận tiền phản động

Trong lá thư đề ngày 29/3/2009, ông Thích Quảng Độ, người đứng đầu tổ chức không được các tăng ni, phật tử ở Việt Nam công nhận, là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất", chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà cho rằng việc khai thác bôxít sẽ dẫn đến "nguy cơ hủy hoại màu xanh Tây Nguyên và đời sống của người Việt cũng như hàng chục dân tộc ít người".

Tiếp theo, ông ta "khẩn cấp báo động công luận thế giới về đại nạn sinh thái Tây Nguyên..., rồi kêu gọi: "Người dân biểu tình tại gia bằng các hoạt động như nông dân không ra đồng, công nhân không đến xưởng, thương gia, tiểu thương không đến chợ, sinh viên, học sinh không đến trường, bà con Việt kiều không về thăm, không gửi tiền về Việt Nam...". Quả là không thể hiểu nổi, một vị tu hành đến chức Hòa thượng mà lại làm những việc phản dân hại nước đến vậy.

Ông Thích Quảng Độ là ai?

Trước khi nói về ông Thích Quảng Độ, thì hãy nhìn lại bối cảnh của Phật giáo Việt Nam. Khi đất nước chưa thống nhất, hai miền Nam - Bắc còn bị chia cắt thì miền Nam có hơn 30 hệ phái Phật giáo. Đến tháng 12/1963, tại Sài Gòn, 11 hệ phái hợp nhất với nhau để cho ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN). Riêng miền Bắc, chỉ có duy nhất Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (HPGTNVN).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1980, một đoàn của HPGTNVN đã vào miền Nam, gặp gỡ các tổ chức Phật giáo tại đây để bàn việc quy về một mối. Tiếp đó, từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội rồi sau đó, lấy tên chính thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), và khẳng định đây là tổ chức hợp pháp duy nhất, đại diện cho PGVN về mọi mặt trong quan hệ trong và ngoài nước.

Hầu hết lãnh đạo các cấp của GHPGVNTN đều đã trở thành những người lãnh đạo của GHPGVN. Có thể kể ra đây các hòa thượng: Thích Trí Thủ (là Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN - sau khi thống nhất Phật giáo đã trở thành Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN), Thích Thiện Siêu, Thích Trí Tịnh, Thích Minh Châu, Thích Thanh Khiển, Thích Đức Nghiệp... Cũng kể từ đó, GHPGVNTN trước kia không còn tồn tại.

Tuy nhiên, vẫn có một số vị tu hành đã không tham gia GHPGVN, trong đó có ông Thích Quảng Độ mà lý do chủ yếu vẫn là không đạt được ý đồ nắm trọn quyền hành. Trong thời gian diễn ra đại hội, ông Thích Quảng Độ liên tục vận động một số các vị tu hành khác, dùng nhiều hình thức gây chia rẽ nhằm làm cho đại hội tan rã.

Theo tiểu sử, thì ông Quảng Độ tên thật là Đặng Phúc Tuệ, năm nay 82 tuổi, sinh quán tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, hiện cư trú ở Thanh Minh Thiền Viện, số 90 đường Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã xuất gia nhưng trong lòng lại mang nặng mối thù với cách mạng vì một số người thân của ông ta là tay sai cho Pháp, bị Việt Minh xử lý.

Sự thật mà nói, trước khi diễn ra đại hội nhằm quy đạo Phật về một mối, từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1978, ông Quảng Độ đã nhiều lần tỏ thái độ chống đối chính quyền bằng các hình thức như dọa tự thiêu, lợi dụng việc tổ chức Đại giới đàn để thuyết giảng, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo. Song song với những việc đó, ông Quảng Độ còn ra thông tư thông bạch kêu gọi, kích động tăng ni sẵn sàng "tử vì đạo" nếu cần.

Từ sai phạm nhỏ đến sai phạm lớn

Trước những hành vi ấy, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Quảng Độ vẫn không thay đổi. Dựa trên nguyện vọng của đông đảo tăng ni, phật tử, UBND TP HCM đã ra quyết định cấm "ông Đặng Phúc Tuệ" cư trú ở địa bàn thành phố, đồng thời UBND tỉnh Thái Bình cũng ra quyết định buộc ông ta về huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bởi lẽ ông Tuệ không nằm trong hệ thống GHPGVN, mà chỉ là một công dân bình thường như bao người khác.

Tuy nhiên, năm 1992, ông Quảng Độ tự ý vào cư trú tại TP HCM rồi năm 1993, ông ta nhân danh cái gọi là Viện trưởng Viện Hóa đạo - trực tiếp chỉ đạo những người tu hành khác như Thích Không Tánh tổ chức tiếp cận với một số đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam để đưa các văn thư, kiến nghị, nhờ những người này chuyển cho Liên Hiệp Quốc và các cá nhân, tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp, gây sức ép với Nhà nước để GHPGVNTN tái phục hoạt động như trước năm 1975.

Tháng 10/1994, Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận  xúi giục Không Tánh, Nhật Ban lợi dụng danh nghĩa "Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp" để dùng vỏ bọc này, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo tăng ni, phật tử chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cũng trong năm 1994, lợi dụng tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông Quảng Độ đã ra lệnh cho một số người trong nhóm "Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp”, tổ chức khoảng 150 tăng ni, phật tử trương cờ, băng rôn, khẩu hiệu mang danh GHPGVNTN, lợi dụng việc cứu trợ nhằm phô trương lực lượng, công khai hóa các hoạt động của GHPGVNTN.

Trước những hành vi lợi dụng tôn giáo, gây hoang mang cho tín đồ, tháng 1/1995, Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Quảng Độ. Tháng 8/1995, Tòa án nhân dân TP HCM đã xét xử, tuyên phạt Quảng Độ cùng nhóm của ông ta 5 năm tù giam, 5 năm quản chế về tội phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước. Trong trại giam, ông Quảng Độ đã viết một lá thư, nhìn nhận sai lầm và bày tỏ sự ăn năn hối cải nên vào dịp Quốc khánh 2/9/1998, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho Quảng Độ.

Nhưng, ngay sau khi về TP HCM, ông Quảng Độ lại cùng ông Huyền Quang, ông Đức Nhuận, kêu gọi phục hồi GHPGVNTN, đồng thời trực tiếp liên lạc, trao đổi, cung cấp tài liệu cho những cá nhân, tổ chức ở nước ngoài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Tiếp tay cho ông ta, là các nhóm cực đoan trong Phật giáo người Việt hải ngoại như Võ Văn Ái (ở Pháp), Hộ Giác và Viên Lý, Chánh Lạc, Giác Đức (ở Mỹ).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những tổ chức người Việt phản động như "Câu lạc bộ Hoa Mai", "Ủy ban yểm trợ người khiếu kiện", "Đảng dân chủ nhân dân", "Liên hội nhân quyền Việt Nam", "Đảng Việt Tân", "Đảng Nhân dân hành động" ở một số nước, thường xuyên tài trợ cho hoạt động của các đối tượng phản động trong nước,  kích động người dân khiếu kiện.

Cũng chính nhờ những nguồn tiền có gốc gác như trên cùng với tiền công đức của bà con phật tử, ông Quảng Độ đã dùng nó dưới cái  tên mỹ miều là "cứu trợ", mà mục đích không ngoài việc  tranh thủ tình cảm, sự tin tưởng của những ngườI dân thiếu hiểu biết, từ đó kích động, lôi kéo họ phục vụ cho các mục đích cơ hội chính trị của cá nhân ông.

Sự chống đối, kích động người dân chống đối chính quyền được ông Quảng Độ và những cá nhân cộng tác với ông ta thể hiện rất rõ vào ngày 17/7/2007. Khi biết một số bà con ở một vài địa phương, vì bức xúc trong chuyện giải phóng, đền bù đất đai, đã tập trung trước Trụ sở Văn phòng 2 Cơ quan Quốc hội tại TP HCM, thì đích thân ông Thích Quảng Độ đã đến phát tiền - gọi là "cứu trợ dân oan".

Thật khó tưởng tượng một nhà tu hành, tuổi tác đã cao nhưng lại trực tiếp cầm loa tay, phát ngôn những câu nói  kêu gọi  gây rối an ninh, trật tự. Chưa hết, khi biết ở phía Bắc cũng có một số người dân khiếu kiện, ông Quảng Độ tức tốc cử Thích Không Tánh mang 300 triệu đồng ra trụ sở tiếp công dân tại số 110 Cầu Giấy, Hà Nội sáng ngày 23/8/2007 - mà mục đích vẫn không ngoài việc dùng tiền để mua chuộc người dân chống lại chính quyền.

Trước sự việc này, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Chánh Văn phòng 1 GHPGVN, cho biết: "Đó là trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh", đi trái lại học phật. Theo tôi, đây là hành vi không tốt. Đã là người tu hành thì thật khó chấp nhận việc cầm loa đứng trước đám đông người để vận động lôi kéo họ kiện cáo, chống đối Nhà nước. Tôi nghĩ, nếu ông Thích Quảng Độ đem trí tuệ uyên thâm về Phật giáo của mình giảng dạy cho tăng ni, dịch kinh sách phục vụ học phật thì mới thực sự là quý.

Nếu phát tiền đúng chỗ thì rất tốt: Phát tiền cứu trợ lũ lụt, thiên tai, người nghèo... đều đáng hoan nghênh. Nhưng việc làm của ông Thích Quảng Độ lại khác, nó mang mưu đồ chính trị: những đồng tiền phát ra nhằm vào những người đang đi khiếu kiện. Đã là người tu hành thì phải làm đúng theo lời Phật dạy. Tức là ăn hiền ở lành, làm điều phúc đức. Việc gì có lợi cho số đông thì làm, đừng làm những việc lợi cho mình, hại cho người.

Tôi nghĩ rằng một người tu hành thì không cần phải mưu cầu gì. Cứ ở trong chùa, phật tử nuôi cũng đủ sống, nhưng đằng này hành động đó lại mưu cầu chính trị. Có thể do các thế lực thù địch cấp tiền cho ông ta, thông qua đó khuấy động lên vấn đề "nhân quyền". Hành động ấy đối với trong nước thì không được một cái gì. Ai ai cũng phản đối, kể cả ngay trong giới Phật giáo.

Do ông Thích Quảng Độ không phải là thành viên của GHPGVN, nên không có chế tài cứng rắn. Tuy nhiên, chắc chắn GHPGVN sẽ tổ chức phái đoàn đến động viên, nói chuyện, vận động nhằm khuyên răn ông ta".

Khi Hòa thượng Thích Huyền Quang qua đời vào ngày 5/8/2008 - và trong lúc môn đệ, đạo hữu, gia quyến đau buồn trước sự ra đi của vị đại lão Hòa thượng  thì ông Quảng Độ lại cho đây là cơ hội để thực hiện ý đồ chính trị mà ông đã đeo đuổi hàng chục năm nay.

Trước đó, mặc dù biết Hòa thượng tuổi già, bị nhiều bệnh nan y, sức khỏe nguy kịch, khó qua khỏi, nhưng ngay sau khi đến Bình Định, ông Thích Quảng Độ đã bằng nhiều cách thúc ép Thượng tọa Thích Minh Tuấn - Viện chủ Tu viện Nguyên Thiều - và các môn đồ của Hòa thượng Thích Huyền Quang đưa ông ra Huế hoặc vào TP HCM chữa trị.

Họ nằng nặc đòi chuyển viện không chỉ để chữa bệnh cho Hòa thượng  Thích Huyền Quang mà còn vì một mục đích rất quan trọng khác, đó là khi Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, họ sẽ đứng ra tổ chức lễ tang và thông qua lễ tang này, họ sẽ  công khai hóa tổ chức bất hợp pháp "GHPGVNTN". Tuy nhiên, do nhận ra ý đồ của ông Quảng Độ, nên  môn đồ và đông đảo phật tử Bình Định cùng gia đình Hòa thượng Thích Huyền Quang đã không đồng tình. Từ sự kiên quyết đó, Hòa thượng  Thích Huyền Quang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Trở lại với "lời kêu gọi" của ông Quảng Độ, khi đưa ra chủ trương khai thác bôxít ở Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lắng nghe những ý kiến cả đồng thuận lẫn phản biện của các nhà khoa học. Nếu như ông Quảng Độ đóng góp ý kiến bằng tinh thần trách nhiệm của một công dân thì không ai trách ông điều gì. Đằng này, cái gọi là "lời kêu gọi" của ông chỉ mang tính kích động, nhằm phá hoại mối đoàn kết toàn dân, trái với tinh thần giáo lý Phật giáo hay nói chính xác hơn, nó mang tính chính trị nhằm kích động những người thiếu hiểu biết.

Sau khi đưa ra lời kêu gọi ấy, theo đánh giá của nhiều người trên một số diễn đàn công khai như BBC, đều cho rằng “Lời kêu gọi” của ông Quảng Độ chỉ mang tính cá nhân, đậm màu sắc chính trị. Bên cạnh đó, lời kêu gọi ấy còn cho người ta thấy ông Quảng Độ đã cố tình “chính trị hóa Phật giáo” và như thế, cũng đủ nhận diện được ông Quảng Độ là người như thế nào.

Giáo lý nhà Phật luôn dạy con người ta "từ bi hỉ xả", nhưng sao trong lòng ông Quảng Độ lại đầy rẫy những oán thù?

PV - ANTG số 849
Tổng Biên tập: Thiếu tướng Hữu Ước
Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung: Nguyễn Như Phong
©2007. Báo Công an nhân dân điện tử - CAND Online. All rights reserved.
Khi sử dụng lại thông tin từ website này, xin vui lòng ghi rõ nguồn "CAND Online".